Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ tư, 18/1/2023, 06:03 (GMT+7)

S95B - TV OLED đầu tiên của Samsung

Sử dụng tấm nền QD-OLED giúp TV của Samsung có độ sáng hơn hẳn so với các đối thủ cùng công nghệ OLED.

Không phải model cao cấp nhất, đắt tiền nhất nhưng S95B lại là TV thu hút chú ý nhất của Samsung khi ra mắt tại thị trường Việt Nam. Đây là sản phẩm đầu tiên của hãng sử dụng OLED - tấm nền vốn gắn liền với tên tuổi của đối thủ đồng hương LG. Samsung tỏ ra thận trọng khi chỉ bán ra hai tùy chọn kích thước màn hình phổ biến là 55 inch (trong hình) và 65 inch, tên mã QA55S95BAKXXV và QA65S95BAKXXV tương ứng.

Công nghệ OLED, viết tắt của đi-ốt phát sáng hữu cơ, gồm các điểm ảnh có thể tự phát sáng và bật/tắt độc lập. Có nghĩa, khi TV cần hiển thị màu đen, các điểm ảnh sẽ tắt hoàn toàn và người xem cảm nhận được màu đen tuyệt đối ở vị trí cần thiết. Đây là khác biệt lớn so với TV LED truyền thống, vốn sử dụng đèn nền (hoặc đèn viền) thường tạo "vầng hào quang" xung quanh các vùng tối nhất trên màn hình.

Cùng mang những ưu điểm đặc trưng về thể hiện màu đen tuyệt đối, tương phản cao như LG OLED, nhưng Samsung S95B có những điểm mạnh riêng. Tấm nền QD-OLED của Samsung sử dụng OLED xanh lam kết hợp với các chấm lượng tử cho màu đỏ và xanh lục, khác với WOLED (hoặc WRGB) của LG. QD, đại diện cho công nghệ chấm lượng tử, cũng giúp TV tăng độ sáng đáng kể - hạn chế cố hữu của dòng TV OLED hiện nay.

Thực tế quan sát cho thấy S95B sáng hơn khá nhiều so với dòng OLED tương đương tầm giá của LG là C2, thậm chí nhỉnh hơn cả dòng cao cấp G2 sử dụng tấm nền OLED Evo mới. Trong thử nghiệm thực tế với máy quang phổ kế, Consumer Reports đo được độ sáng tối đa của LG C2 với tấm nền OLED evo là 850 nit, còn Samsung S95B là 1.000 nit. Khi đo ở chế độ Phim hay Trò chơi, trang Rtings cho biết model của Samsung có thể đạt 1.400 nit - mức thường chỉ thấy ở TV LED.

Phần cứng mạnh giúp S95B tự nhận diện các khung cảnh và đưa ra chế độ hình ảnh phù hợp. Ví dụ, khi phát video với hoa lá, con vật màu sắc sặc sỡ, TV tự đẩy độ sáng, tương phản và dải màu để hình ảnh rực rỡ hơn. Đây cũng là cách xử lý màu sắc đặc trưng của Samsung.

Sản phẩm cũng có thế mạnh về tái tạo màu da người bắt mắt nhưng tại các vùng chi tiết cạnh vùng tối, có xảy ra hiện tượng viền hào quang nhỏ nhưng rất khó quan sát bằng mắt thường. S95B khác biệt về thể hiện màu trắng với LG OLED khi thiên về gam hồng thay vì xanh lục như đối thủ.

Thiết kế tổng thể của S95B khá giống "người anh em" QN90B QLED. Trong khi đó, phần chân giữa của S95B giống đối thủ LG C2. nhưng tiết diện nhỏ hơn một chút. Khi sử dụng chân, cạnh dưới TV cách mặt kệ gần 8 cm, đủ để người dùng sử dụng đa dạng các loại loa soundbar khác nhau. TV sử dụng ngám tiêu chuẩn VESA cỡ 300 x 200 để treo tường. Phần mặt lưng có các nắp che bảng điều khiển, cổng kết nối nhưng hơi khó lắp, thao tác.

TV OLED của Samsung có độ mỏng cạnh 0,8 cm, thấp hơn so với đối thủ LG OLED C2. Chất lượng hoàn thiện của TV rất tốt, đặc biệt ở phần khớp nối cạnh và bề mặt phía sau của tấm nền.

Nhìn từ cạnh bên, phần tấm nền của S95B có độ mỏng ấn tượng. TV được chia làm hai thành phần chính với một là tấm nền và một bảng trung tâm chứa các thiết bị điện tử bằng nhựa. Tại phần dày nhất của TV, con số đo được cũng chỉ là 4,1 cm.

Cổng kết nối cũng là điểm mạnh trên S95B khi so với đối thủ cùng phân khúc, với bốn cổng HDMI đều hỗ trợ chuẩn 2.1 mới nhất, băng thông 48 Gb/giây đầy đủ. Người dùng vì vậy có thể kết nối cùng lúc nhiều thiết bị giải trí cao cấp như PlayStation 5 hay Xbox Series X. Đáng tiếc, TV không hỗ trợ Dolby Vision, thay vào đó là HDR 10+ không thực sự phổ biến.

TV chạy hệ điều hành Smart OS Tizen bản 2022 có tốc độ phản hồi hay mở ứng dụng nhanh. Phiên bản mới có màn hình chủ hiển thị toàn màn hình thay vì một thanh bên dưới như bản trước. Tuy nhiên, nội dung cá nhân hóa chưa thực sự phong phú như webOS 22. Các phần mềm đi kèm bao gồm hầu hết các dịch vụ truyền hình OTT. Người dùng có thể sử dụng Google Duo hỗ trợ cuộc gọi video tối đa 32 người nếu có kết nối với webcam.

Samsung S95B tương thích với các trợ lý giọng nói Bixby, Google Assistant và Alexa. Tuy nhiên, người dùng chỉ có thể ra lệnh với remote do TV không tích hợp micro như Sony hay LG. Ưu điểm của điều khiển là nhỏ gọn, sử dụng pin năng lượng mặt trời. Google Assistant cũng nhận diện tiếng Việt tốt, nội dung tra cứu phong phú.

TV OLED của Samsung có giá 47 triệu đồng cho bản 55 inch và 60 triệu đồng cho bản 65 inch, tương đương LG C2.

Tuấn Hưng